UBND xã Ba Vì tổ chức Hội nghị sơ kết phong trào thi đua “Ba Tơ vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025
Ba Vì là xã miền núi, đơn vị hành chính loại 2, cách trung tâm huyện 20km về phía Tây, có Quốc lộ 24 đi qua. Diện tích tự nhiên: 4.293,82 ha. Tổng dân số trên địa bàn (thống kê đến ngày 31/3/2024): 1.338 hộ/5.192 nhân khẩu, gồm 02 dân tộc Kinh và Hrê chung sống gắn bó với nhau, trong đó dân tộc Hrê chiếm đến 75% dân số; xã có 06 thôn: Về kinh tế - xã hội, hơn 2/3 lao động hoạt động trong lĩnh vực Nông - Lâm nghiệp, nguồn thu nhập chính từ chăn nuôi và trồng trọt. Thương mại và dịch vụ phát triển mạnh ở khu trung tâm xã (thôn Giá Vực), dọc theo tuyến Quốc lộ 24, Đông giáp xã Ba Tô, Phía Tây giáp xã Pờ Ê, huyện Kon PLong, tỉnh Kon Tum, Phía Nam giáp xã Ba Xa, Phía Bắc giáp xã Ba Tiêu. Mặt bằng trình độ dân trí vẫn còn thấp, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, cơ bản đã phổ cập được THCS; tỷ lệ hộ nghèo còn cao (hộ nghèo có 155 hộ, chiếm 11,58%, giảm 6,96% so với năm 2021; hộ cận nghèo: 151 hộ, chiếm 11,29%, giảm 3,13% so với năm 2021); thu nhập chính của người dân chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, đặc biệt hiện nay thu nhập chính chủ yếu từ trồng và khai thác cây Keo.
Qua 03 năm (2021-2023) phát động và thực hiện phong trào thi đua “Ba Tơ vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn xã, các chương trình giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, đầy đủ và có hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, phục vụ dân sinh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố; cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được cải thiện rõ rệt, chính sách giảm nghèo luôn được quan tâm; an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản được ổn định và giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế - xã hội của xã nhà ngày càng phát triển.
Thực hiện phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ xã đến cơ sở cũng triển khai nhiều phong trào thi đua thiết thực đem lại hiệu quả trong công tác như: Về chuyển dịch cơ cấu lao động Về chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm: Đã tạo việc làm tăng thêm cho hơn 400 lao động, trong đó thông qua vốn vay giải quyết việc làm hơn 350 lao động, hơn 50 lao động đi làm việc các nơi trong và ngoài tỉnh. Đa số lao động trên địa bàn xã chưa qua đào tạo nghề, chủ yếu hiện nay tự theo học nghề xây dựng và đào tạo nghề lái xe. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động nông thôn hàng năm được giảm dần.
Về nông nghiệp, diện tích gieo sạ: 252 ha; Năng suất đạt: 63,255tạ/ha, Sản lượng đạt: 15.940 tấn; Cây ngô lấy hạt: Diện tích: 0,5 ha; Cây đậu phụng: Diện tích: 02 ha, năng suất: 15 tạ/ha, sản lượng: 3 tấn; Rau, đậu các loại: Diện tích: 04 ha, năng suất: 45 tạ/ha, sản lượng: 18 tấn; tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn xã ngày càng được cải thiện và nâng cao. Chăn nuôi: Đàn Trâu: 877 con; Bò: 137 con; Heo: 1.333 con; Dê: 40 con; Gia cầm các loại: 7.820 con; Thuỷ sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã khoảng 2,5 ha (tại thôn Nước Ui, Nước Xuyên và Mang Đen) gồm các loại cá như: cá Lăng, cá Leo, cá Trắm Đen, cá Rô phi, cá Chép, cá Vược. Sản lượng khai thác khoảng 5,2 tấn cá các loại. Trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai mô hình nuôi cá chim trắng trên địa bàn xã cho 05 hộ/1.200m2 thả nuôi với 4.800.000 con tại thôn Nước Xuyên và thôn Nước Ui. Sau 8 tháng nuôi các hộ dân đã thu hoạch được khoảng 2.142kg.
Hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp: Ba Vì có tổng diện tích tự nhiên: 4.249,96 ha, trong đó: đất có rừng: 3.273,94 ha (rừng tự nhiên: 822,08 ha, rừng trồng: 2.451,86 ha), độ che phủ của rừng năm 2023: 57,67% (tăng 2,28 % so với năm 2022: 55,39 %). Diện tích đất lâm nghiệp: 2.732,70 ha/05 tiểu khu; trong đó: đất có rừng: 2.530,26 ha (rừng tự nhiên: 822,08 ha; rừng trồng:1.708,18 ha), đất chưa có rừng: 202,44 ha. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn xã được Nhà nước giao cho 03 loại chủ quản lý: Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi (Trạm Quản lý bảo vệ rừng huyện Ba Tơ), hộ gia đình, cá nhân và UBND xã. Quản lý, kiểm tra việc khai thác gỗ rừng trồng tập trung của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; diện tích khai thác ước tính khoảng 250 ha, sản lượng khai thác ước tính khoảng là 22.500 m3; diện tích trồng lại sau khai thác: 250 ha.
Đồng chí Phạm Văn Kin, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị đồng chí Phạm Văn Kin, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã đề nghị: Tăng cường triển khai sâu rộng, quyết liệt, kịp thời về phong trào thi đua đã được Thủ tướng Chính phủ phát động, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phong trào thi đua để công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt và có hiệu quả tại các cơ quan, đơn vị và cơ sở, địa phương. Cần có các phương thức tuyên truyền thường xuyên, có nội dung, hình thức phong phú, có các chương trình hỗ trợ thiết thực, cụ thể, phù hợp với từng đối tượng để người dân có sự chuyển biến về nhận thức tự chủ động vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững. Tăng cường phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến đối với các hộ gia đình đã thoát nghèo, nhân rộng thêm nhiều địa phương làm tốt công tác giảm nghèo để phong trào thực sự lan tỏa, mang lại niềm tin, đời sống ấm no cho người dân lâu dài. Tăng cường biểu dương, khen thưởng, tổ chức sơ kết, tổng kết ở các địa phương, nơi đã làm tốt công tác giảm nghèo để kịp thời khuyến khích, động viên tinh thần và khích lệ tới người dân tiếp tục lao động, sản xuất, vươn lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn.
Lãnh đạo xã tặng giấy khen cho 2 tập thể và 3 hộ gia đình có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào “Ba Tơ vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Tại Hội nghị sơ kết, lãnh đạo xã đã trao Giấy khen của Chủ tịch UBND xã cho 02 tập thể và 03 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong triển khai thực hiện phong trào “Ba Tơ vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn xã.
Việt Danh