Trang thông tin điện tử

Xã Ba Vì

Đảng ủy, HĐND, UBND,UBMTTQ Việt Nam phường đi thăm các trường học trên địa bàn phường nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG GIÁ VỰC (20/9/1974 – 20/9/2024)

Cách đây 50 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng,...

Đế quốc Mỹ bằng nhiều âm mưu thâm độc, từ “Chiến tranh đơn phương” đến “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ đã dùng đội quân tay sai do Diệm – Nhu cầm đầu với quốc sách đẫm máu “Tố cộng, diệt cộng, dồn dân lập ấp chiến lược” với “Luật 10/59”, nhưng chúng đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân và dân ta do Đảng lãnh đạo. Thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” chúng chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ồ ạt đưa hàng chục vạn quân viễn chinh Mỹ và quân chư hầu hòng cứu vãn tình thế, nhưng chúng đã bị quân và nhân dân ta giáng trả những đòn đích đáng, đánh bại các chiến dịch mùa khô 1965 – 1966, 1966 – 1967 và ta giành thắng lợi to lớn trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Bị thất bại nặng nề, buộc chúng phải xuống thang ký hiệp định Pari vào ngày 27/01/1973. Ở miền Nam, quân nguỵ tiếp tục dồn dân, lập ấp, bình định hòng mở rộng địa bàn, nhưng chúng bị quân và nhân dân ta đánh trả quyết liệt, cuối cùng đã giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào mùa xuân năm 1975.

Huyện Sông Re (nay thuộc huyện Ba Tơ),  trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, là trung tâm các xã khu Tây huyện Ba Tơ ngày nay, nối liền với các tỉnh Tây Nguyên và các khu vực căn cứ cách mạng ở miền Tây Quảng Ngãi.

Ngày 30/10/1972, sau cuộc chiến đấu 45 ngày đêm của quân và nhân dân huyện Ba Tơ cùng bộ đội chủ lực đã đập tan căn cứ trung tâm biệt kích Đá Bàn ở quận lỵ Ba Tơ. Căn cứ Đá Bàn của địch bị tiêu diệt, Ba Tơ hoàn toàn giải phóng, lực lượng địch sống sót thuộc Tiểu đoàn 69 biệt động quân ở Đá Bàn chạy về Giá Vực cùng với lực lượng tại chỗ thành lập tiểu đoàn 70 biệt động quân.

Hè – Thu năm 1974, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định sử dụng lực lượng vũ trang ba thứ quân mở chiến dịch tiến công tổng hợp trên địa bàn một số tỉnh Trung Trung Bộ (trong đó hai tỉnh Quảng Đà và Quảng Nam là hướng tiến công chủ yếu; hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định là hướng phối hợp quan trọng), đánh bại một bước cơ bản các cuộc hành quân lấn chiếm của địch.

Cuối tháng 8/1974, sau khi Bộ Tư lệnh Mặt trận C19 (do Bộ Tư lệnh Quân khu 5 thành lập) chỉ huy lực lượng tác chiến ở vùng Tây Quảng Ngãi giành thắng lợi tiêu diệt chi khu quân sự huyện Minh Long, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên, giải phóng gần 1 vạn dân, được sự ủy quyền của Quân khu đã chỉ định thành lập Bộ Chỉ huy C22 (lâm thời) để chỉ huy các lực lượng tiến công tiêu diệt chi khu quân sự Giá Vực quyết tâm giải phóng hoàn toàn huyện Sông Re. Bộ Chỉ huy C22 gồm các đồng chí Nguyễn Chí Thuận (Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 52) làm Tư lệnh, đồng chí Nguyễn Thanh Thuần (Chính ủy Lữ đoàn 52) làm Chính ủy.

Ngày 06/9/1974, sau hơn một tuần bộ phận trinh sát ta đã thâm nhập mục tiêu, nắm chắc đội hình bố phòng của địch. Bộ Chỉ huy C22 họp, hạ quyết tâm thực hành nhiệm vụ chính trị trên giao và xác định phương án tiến công chi khu quân sự Giá Vực.

Cụm cứ điểm Giá Vực nằm giữa thung lũng thuộc xã Ba Vì, huyện Sông Re (nay là huyện Ba Tơ), có ba phía: Bắc, Đông, Nam giáp các xã Ba Tiêu, Ba Tô, Ba Xa; phía Tây giáp với huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đây không chỉ là vị trí án ngữ trên đường 5 (từ Kon Tum đi Quảng Ngãi) được quân Mỹ đặt căn cứ biệt kích chỉ điểm tiến công “tìm diệt” lực lượng chủ lực của ta, mà còn được quân đội Sài Gòn mở rộng xây dựng kiên cố thêm để liên kết bảo vệ phía Tây Quảng Ngãi. Tuy địa thế cứ điểm chỉ cao hơn mặt bằng địa hình và sông suối từ 3m đến 10m, nhưng được bao bọc bởi rừng núi phức tạp, có nhiều điểm cao có giá trị chiến thuật như đồi: 500, 950, 400, … có thể bố trí pháo lớn ngắm bắn trực tiếp vào các chốt điểm. Khi ta tiến công, địch ở Giá Vực có 16 cứ điểm và chốt do Tiểu đoàn 70 biệt động quân đóng giữ, quân số khoảng 550 tên và được trang bị vũ khí hiện đại. Tại khu trung tâm Giá Vực có chỉ huy tiểu đoàn, 2 đại đội bộ binh, 1 trung đội pháo 105 li, có 9-12 hàng rào thép gai và nhiều bãi mìn bao quanh; bên trong có nhiều lô cốt, hầm ngầm, công sự vững chắc, kiên cố, bố trí hỏa lực dày đặc. Riêng hầm chỉ huy và khu vực truyền tin được xây dựng bằng bê tông cốt sắt. Bảo vệ khu trung tâm có nhiều cứ điểm ngoại vi như: Hoen Lép, Hoen Mòm, Hoen Đất đều có 4 hàng rào thép gai, 5 lô cốt, nhiều nhà âm, công sự ngầm. Ngoài ra, địch còn chốt ở nhiều điểm: Hoen Ta, Hoen Bao, Hoen Bà Non, Hoen Răng,… mỗi chốt có từ 10 đến 14 tên, xung quanh có 2-3 hàng rào, trong có 2-3 lô cốt. Mặc dù Tiểu đoàn 70 biệt động quân còn đủ quân, hỏa lực mạnh, công sự vật cản kiên cố vững chắc, chỉ huy ngoan cố, lính thông thuộc địa hình, thủ đoạn đối phó xảo quyệt; nhưng chúng ở vào tình thế bị cô lập hoàn toàn, chỉ trông chờ tiếp tế bằng máy bay, nên dễ bị ta khống chế. Những tin bại trận liên tiếp của đồng bọn ở Nông Sơn, Thượng Đức, Quế Sơn, Minh Long và toàn miền Nam càng làm cho địch ở Giá Vực thêm dao động, bạc nhược.

Để tiêu diệt cụm cứ điểm Giá Vực, Bộ Tư lệnh C22 quyết định sử dụng 2 Tiểu đoàn bộ binh 7 và 8 (Lữ đoàn 52), Tiểu đoàn đặc công 406 (Quân khu 5); 2 đại đội pháo 85 li, 01 đại đội pháo 122 li, 01 đại đội cối 160 li, 01 đại đội cối 120 li của Trung đoàn pháo binh 576; 02 Tiểu đoàn cao xạ 37 li (của Trung đoàn 567 và Đoàn 1059 Cục hậu cần Quân khu), Đại đội 8 xe tăng (Tiểu đoàn 79 thiết giáp) gồm 2 xe tăng và 6 xe thiết giáp K63, Trung đoàn công binh 270, 2 đội trinh sát (thuộc Tiểu đoàn 33 Quân khu), một bộ phận của H3 (Cục Hậu cần Quân khu 5) và 02 đại đội bộ binh thuộc Tiểu đoàn 20 bộ đội địa phương Quảng Ngãi, huyện Sông Hre và dân quân du kích.

Bộ Tư lệnh C22 dùng cách đánh vây lấn tiến công với 4 giai đoạn, nhưng đặc biệt chú trọng đưa pháo lên điểm cao, vào gần mục tiêu, bắn ngắm trực tiếp; khi tiến công dứt điểm bằng hiệp đồng binh chủng mạnh (bộ binh, xe tăng, pháo binh, cao xạ, công binh). Hướng tiến công chủ yếu (vào Nam khu A) do Tiểu đoàn bộ binh 8 đảm nhiệm có xe tăng, hỏa lực tăng cường. Tiểu đoàn đặc công 406 đột phá trên hướng thứ yếu (phía Bắc khu A). Tiểu đoàn bộ binh 7 làm dự bị chung.

Ngày 18/9/1974, sau hơn nửa tháng vừa làm công tác chuẩn bị cho chiến đấu, vừa tranh chủ huấn luyện các hình thức tác chiến, Lữ đoàn 52 và các đơn vị phối hợp được lệnh chiếm lĩnh trận địa tiến công cụm cứ điểm Giá Vực. Đúng 06 giờ ngày 19/9, pháo cơ giới và súng 120 li, 160 li của ta bắn phá các mục tiêu và các chốt điểm bao quanh trung tâm căn cứ Giá Vực. Được pháo cơ giới và các loại hỏa lực đi cùng bắn phá chế áp mạnh, Tiểu đoàn đặc công 406 và Tiểu đoàn 20 Quảng Ngãi đánh chiếm vòng ngoài đột phá Hoen Lép, chiếm các chốt Hội Đồng, Ấp A, chốt Cây Đa, … Riêng cứ điểm Hoen Mòm ta tiến công đánh vây ép.

Ngày 20/9/1974, bằng một trận tiến công hiệp đồng binh chủng mạnh, hai Tiểu đoàn 8 và 406 có xe tăng dẫn dắt từ hai hướng ào ạt đánh chiếm toàn bộ khu trung tâm Giá Vực. Phần lớn quân địch ở đây bị diệt, các chiến sĩ Tiểu đoàn 20 vượt sông Re, vây, diệt và bắt toàn bộ tàn binh. Tên trung tá Nguyễn Quang Liên – Liên đoàn phó Liên đoàn 11 và tên thiếu tá Hoàng Trọng Khải – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 70 cùng 10 sĩ quan địch đều bị bắt. Lúc 12 giờ 30 phút địch ở Hoen Mòm và các chốt khác sợ hãi ra hàng. Phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích tích cực truy lùng, diệt và bắt nhiều toán địch chạy trốn.

Trận đánh Giá Vực là một trận đánh hiệp đồng binh chủng mạnh, bao vay chặt, dứt điểm nhanh, tiêu diệt, bắt sống và xóa sổ Tiểu đoàn 70 biệt động quân, loại khỏi vòng chiến đấu 536 tên địch, thu 324 súng các loại và nhiều đạn dược quân dụng. Trận đánh đã giải phóng hoàn toàn lưu vực Sông Re, tạo thế liên hoàn cho vùng giải phóng từ đồng bằng đến miền núi miền Tây tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời tạo đà cho lực lượng vũ trang phát triển.

Tiếp nối truyền thống cách mạng anh hùng, Đảng bộ, quân và dân xã Ba Vì nỗ lực xây dựng quê hương Ba Vì ngày càng giàu đẹp

Chiến thắng Giá Vực mãi mãi đi vào lịch sử của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, niềm tự hào của quân và nhân dân huyện Sông Re (nay thuộc huyện Ba Tơ) nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung. Từ 20/9/1974 trên mãnh đất Giá Vực nói riêng và huyện Sông Re nói chung hoàn toàn sạch bóng quân thù, Đảng bộ và đồng bào ta đã làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".

Tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương anh hùng trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, Đảng bộ, quân, dân xã Ba Vì và các xã khu Tây đang vững bước trên con đường thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đã tạo được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đối với Đảng bộ, quân và nhân dân xã Ba Vì đây là niềm tự hào đặc biệt, vì chính trên mãnh đất này đã làm nên chiến thắng vẻ vang.

Với những thành tích đã đạt được trong 2 cuộc kháng chiến, quân và nhân dân xã Ba Vì đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, Huân, Huy chương và Bằng khen các loại; năm 2010 được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho cán bộ và nhân dân xã Ba Vì.

Có được ngày hôm nay, chúng ta tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh trong đợt tiến công giải phóng Chi khu Giá Vực và cho sự nghiệp cách mạng, để quê hương được giải phóng, đất nước được tự do, độc lập, làm cho quê hương từng ngày thay da đổi thịt, nhân dân trong xã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Những kết quả và thành tích đạt được là rất đáng tự hào; song hiện nay đời sống của nhân dân vẫn còn khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, các tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại ở một số nơi, giao thông đi lại một số vùng còn cách trở trong mùa mưa lũ; hậu quả chiến tranh vẫn chưa khắc phục hết, thiên tai lũ lụt thường xảy ra; diện hộ nghèo vẫn còn. Do đó, đòi hỏi toàn thể cán bộ, công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong toàn xã phải ra sức phấn đấu nhiều hơn nữa.

Để tỏ lòng biết ơn những người đã hy sinh anh dũng và những người đã cống hiến một phần xương máu, sức lực trong đợt tiến công giải phóng Chi khu Giá Vực vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, Đảng bộ, quân và nhân dân xã Ba Vì nguyện tăng cường khối đoàn kết thống nhất hơn bao giờ hết, một lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, thực hiện xây dựng quy hoạch đô thị mới Ba Vì; nêu cao ý thức tự lực, tự cường, thực hành tiết kiệm, phát huy nội lực, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

BBT


Văn bản chỉ đạo điều hành

Kết quả giải quyết hồ sơ

Thông tin cần biết

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN XÃ BA VÌ TỔ CHỨC KỲ HỌP THỨ 17
UBND xã Ba Vì tổ chức Hội nghị triển khai, hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử Trưởng thôn nhiệm kỳ 2025-2027 theo Đề án số 07-ĐA/TU ngày 28/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
UBND xã Ba Vì tổ chức Hội nghị Toạ đàm về công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số năm 2024
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Ba Vì triển khai mô hình hỗ trợ “thanh toán không dùng tiền mặt” bằng QR Code
UBND xã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ Quốc phòng, quân sự địa phương năm 2025
UBND xã Ba Vì tổ chức cấp bồn chứa nước sinh hoạt cho 38 hộ dân được thụ hưởng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.
Huyện ủy Ba Tơ tổ chức Hội nghị Báo cáo viên, tuyên truyền miệng tháng 10/2024 tại xã Ba Vì
Khu Dân cư thôn Giá Vực tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024
Đảng ủy xã Ba Vì tổ chức Hội nghị quán triệt, học tập và triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương
KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG GIÁ VỰC (20/9/1974 – 20/9/2024)
Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 02/9/2024
Phong trào 'Tham mưu giỏi, phục vụ tốt' góp phần nâng cao đạo đức công vụ

Thống kê truy cập

Đang online: 5
Hôm nay: 73
Hôm qua: 145
Năm 2025: 67.226
Tất cả: 67.230