Truy cập nội dung luôn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND Xã Ba Vì

Huyện Ba Tơ

Tỉnh Quảng Ngãi

Đoàn công tác của huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi học tập kinh nghiệm về triển khai về chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh phía Bắc (tại các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình và thành phố Hà Nội)

28/06/2023 13:52    262

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm, thuộc Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam trao đổi với Đoàn công tác huyện Ba Tơ

Đoàn công tác của huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi học tập kinh nghiệm về triển khai về chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh phía Bắc (tại các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình và thành phố Hà Nội)

Cộng tác viên Ban Biên tập Trang thông tin điện tử xã Ba Vì tiếp tục cập nhật hình ảnh và nội dung làm việc của Đoàn công tác huyện Ba Tơ tại các tỉnh phía Bắc về chương trình trồng bưởi da xanh, nghề dệt thổ cẩm và du lịch cộng đồng.

Đoàn công tác huyện Ba Tơ đến Vườn ươm giống của Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm rau hoa quả Gia Lâm tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội

Bưởi da xanh là một loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, thích ứng với điều kiện thời tiết ở miền núi; hiện nay giá trị mang lại từ cây bưởi da xanh có giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ cây bưởi da xanh phù hợp với thị trường trong và ngoài nước.

Đồng chí Trần Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và ông Lê Văn Tưởng, Giám đốc Công ty TNHH giống cây trồng Thuận An trao đổi về cây bưởi da xanh sau 03 năm trồng và chăm sóc

Đoàn công tác của huyện đến địa điểm trồng bưởi da xanh tại xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình

Qua khảo sát về khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng tại các tỉnh phía Bắc, cây bưởi da xanh được trồng đã mang lại hiệu quả và có nhiều điểm tương đồng với huyện Ba Tơ.

Trao đổi với hộ ông Lý Trung Chính, xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình chuyên trồng bưởi da xanh:

- Chi phí đầu vào được tính theo 01 héc ta:

+ Cải tạo mặt và làm đất: chi phí thuê máy móc, nhân công: 20 triệu đồng;

+ Giống: 314-400 gốc/ha, chi phí 230.000 đồng/gốc, chiều cao cây tầm 1,5 đến 2m, (sau 03 năm hộ gia đình tự chiết cành, nhân giống);

+ Phân bón: chi phí từ 40-50 triệu đồng. Tuy nhiên, hộ gia đình có thể sử dụng phân hóa học (NPK để bón thúc khi cây cho quả), khuyến khích người dân sử dụng từ phân chuồng như: phân bò, phân trâu, phân heo, phân gà, vịt để bón phân cho cây, hiệu quả cây sinh trưởng và phát triển tốt đồng thời giảm chi phí đầu tư.

Tổng cộng: chi phí trồng cây bưởi da xanh từ 160 – 170 triệu/ha.

Ông Lý Trung Chính, xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình giới thiệu với Đoàn công tác về việc trồng và chăm sóc bưởi da xanh

- Tiêu thụ, đầu ra của sản phẩm từ cây bưởi da xanh:

+ Từ năm thứ 03 trở đi tiến hành thu hoạch từ 20-25 tấn/ha/năm (giá thị trường hiện nay 35.000 đồng/kg), như vậy, tổng thu nhập cho 01 ha bưởi da xanh là khoảng 700 – 875 triệu đồng/ha

Đơn vị tiêu thụ sản phẩm: Công ty TNHH giống cây trồng Thuận An, (địa chỉ: xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).

Với những điều kiện như trên, hy vọng sự kết nối lần này của Đoàn công tác huyện Ba Tơ sẽ tạo điều kiện để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có những hướng đi mới, giảm nghèo, làm giàu, góp phần thay đổi phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đối với xã Ba Vì, hiện nay hộ nông dân Vũ Đức Thắng hiện đang đăng ký trồng 02ha bưởi da xanh. Đây là hộ nông dân tiêu biểu của xã Ba Vì có quyết tâm làm kinh tế và cung cấp các sản phẩm từ cây bưởi da xanh.

Nhân dịp chuyến công tác lần này, Đoàn công tác huyện Ba Tơ đã đến thăm Đội nghệ nhân huyện Ba Tơ tham gia trình diễn tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (xã Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội).

Tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam là dịp để chúng ta giới thiệu, quảng bá những giá trị tinh hoa đặc sắc của các loại hình văn hóa nghệ thuật qua các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê huyện Ba Tơ đến với công chúng trong nước và bạn bè Quốc tế. Đoàn nghệ nhân của huyện Ba Tơ đã tổ chức, dàn dựng, trình diễn các loại hình nghệ thuật phục vụ du khách và giao lưu với các Đoàn nghệ nhân của các tỉnh bạn cùng về tham gia tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đội nghệ nhân của huyện Ba Tơ chụp hình lưu niệm với Đoàn công tác

Nghệ nhân Phạm Thị Hết, thôn Gò Năng, xã Ba Vì (nghệ nhân trình diễn làn điệu dân ca Hrê) vinh dự được tham gia Đội nghệ nhân huyện Ba Tơ trình diễn tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Thành viên đoàn công tác xã Ba Vì chụp hình lưu niệm với nghệ nhân Phạm Thị Hết

Trước đó, ngày 23/6/2023 được sự giới thiệu của UBND thị xã Sa Pa, Phòng Dân tộc thị xã Sa Pa và UBND xã Tả Van, Đoàn công tác huyện Ba Tơ đến làm việc với Hợp tác xã Mường Hoa về nghiên cứu phương pháp tiếp cận thị trường, giới thiệu quản bá sản phẩm truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số.

Chị Sùng Thị Lan, Giám đốc Hợp tác xã Mường Hoa chia sẻ với Đoàn công tác của huyện Ba Tơ: Được sự quan tâm của các cấp, các ngành của địa phương, bản thân chị và một số chị em khác trong xã, thôn ban đầu đã tập hợp, hình thành tổ nhóm quyết tâm đưa sản phẩm truyền thống của địa phương ra thị trường, đến nay Hợp tác xã Mường Hoa đã đi vào hoạt động ổn định, hình thành nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương kết hợp với du lịch cộng đồng phục vụ du khách trong và ngoài nước có nhu cầu trong thời gian thăm quan, du lịch tại Sa Pa.

Vào những thời gian trước đây, những sản phẩm của địa phương được bán lẻ tẻ, thủ công, giới thiệu với khách hàng tại các hội chợ, quảng bá không đầy đủ về sản phẩm làm mất niềm tin với du khách. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch Covid-19, Hợp tác xã Mường Hoa đã chuyển đổi hình thức giới thiệu sản phẩm thông qua mạng xã hội facebook, khách hàng đã chủ động tới cửa hàng và liên lạc với các thành viên. Ngoài ra, Hợp tác xã Mường Hoa còn tổ chức các tour cho du khách trải nghiệm thực tế, trực tiếp tham gia các công đoạn sản xuất các sản phẩm thủ công; việc này đã tạo niềm tin gắn kết Hợp tác xã với khách hàng.

Đồng chí Phạm Giang Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện (Trưởng đoàn) trao đổi với chị Sùng Thị Lan, Giám đốc Hợp tác xã Mường Hoa

Đối với những sản phẩm không có giá trị và bị vứt bỏ như: mảnh vải vụn, vải thừa thường; chị nhận thấy đây cũng chính là sản phẩm còn sử dụng tái chế lại được nên Hợp tác xã Mường Hoa đã tiến hành thu gom để làm ra các sản phẩm từ đơn giản đến độc đáo như: dây buộc, túi xách, đồ bắc nồi xoong đến các loại thú nhồi bông, đồ chơi trẻ em, bao điện thoại,…được làm từ các miếng vải thổ cẩm. Đồng thời, tận dụng tối đa nguyên, vật liệu sẵn có trong tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng hóa chất công nghiệp; hạn chế chất thải ra môi trường. Các đồ dùng thổ cẩm cũ đã qua sử dụng của bà con các dân tộc thiểu số sau khi Hợp tác xã Mường Hoa thu mua về sẽ được giặt sạch, nhuộm lại màu bằng nguyên liệu thiên nhiên, may mới thành lọ hoa, khăn trải bàn, vỏ gối, nơ trang trí, khăn choàng, ...

Các sản phẩm dệt thổ cẩm rất đa dạng của Hợp tác xã Mường Hoa

Với định hướng giải quyết việc làm cho những phụ nữ yếu thế ở địa phương, từng bước thoát nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống trên quê hương của chính mình, là quyết tâm lớn của Hợp tác xã Mường Hoa – chị Sùng Thị Lan chia sẻ.

Với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê Làng Teng, tại xã Ba Thành, huyện Ba Tơ đã được Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng đang rất cần tìm ra hướng đi mới để quảng bá, giới thiệu sản phẩm về làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của huyện Ba Tơ.

Chí Thảo